Những năm qua, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập (XHHT), tạo điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời, đáp ứng sự phát triển của địa phương.

Trường THPT Quang Trung (Nam Trực) tích cực giáo
dục truyền thống quê hương cho học sinh.
Để
xây dựng XHHT, việc xây dựng các mô hình học tập như mô hình “Công dân học tập”,
“Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”
đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục, Hội
Khuyến học các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn nhiệm vụ
xây dựng các mô hình học tập với các phong trào thi đua, cuộc vận động ở địa
phương như xây dựng “Gia đình văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh... Đặc biệt từ khi Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy
mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được ban
hành, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND
tỉnh và Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai
nhiều giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia
đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ sự vào cuộc tích cực
của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, các cấp Hội Khuyến học, cùng sự đồng
thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, phong trào xây dựng các mô hình học
tập trong tỉnh từng bước đi vào chiều sâu. Từ tháng 3/2021, tỉnh triển khai mô
hình “Công dân học tập”. Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức tập huấn và chọn triển
khai thí điểm tại 4 huyện, thành phố: Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và thành phố
Nam Định. Kết quả đã có 100% đơn vị tham gia đều đạt tiêu chuẩn; 156 công dân đạt
từ 70 điểm đến 85 điểm, đạt 35,4%; 285 công dân đạt 85 điểm (xuất sắc), đạt
64,6%. Ở các đơn vị triển khai thực hiện tốt các mô hình học tập, nhất là khi
được chọn xây dựng thí điểm mô hình “Công dân học tập”, 100% đảng viên của địa
phương đều tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc vận động con cháu
đi học đúng độ tuổi và học lên cao. Bên cạnh đó, những đảng viên đang công tác
tại các cơ quan, đơn vị, trường học thường xuyên học tập những tri thức liên
quan đến lĩnh vực mà bản thân phụ trách. Đảng viên trong độ tuổi lao động tích
cực học tập để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh
tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Không chỉ thường xuyên tự học, tự rèn,
nâng cao trình độ mà đảng viên còn tích cực tuyên truyền, vận động con cháu
trong gia đình, các tầng lớp nhân dân ở địa phương tham gia hưởng ứng bằng những
việc làm thiết thực.
Theo
đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về mục
tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng các mô hình học tập trong các tầng
lớp nhân dân nên nhận thức về việc học trong các gia đình, dòng họ đã tăng lên.
Ngoài việc tích cực động viên con, cháu chăm chỉ học tập, rèn luyện, nhiều phụ
huynh đã tự nguyện tham gia đọc sách, báo để tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến
thức hoặc sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh để cập nhật, khai thác
thông tin trong nước và quốc tế. Số lượng người dân tham gia các buổi tập huấn
tại Trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn tăng lên so với trước, góp phần thực
hiện hiệu quả mô hình “Công dân học tập” tại địa phương. Từ đó, hàng năm, Hội
Khuyến học các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức,
ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT để mỗi công dân tự ý
thức được tầm quan trọng và tham gia các mô hình “Công dân học tập”. Hội Khuyến
học các cấp cũng tích cực phối hợp với ngành giáo dục, các địa phương đẩy mạnh
hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh, đáp ứng một phần nhu
cầu “Cần gì học nấy”, học mọi lúc mọi nơi và phù hợp với từng lứa tuổi của nhân
dân. Đối với Trung tâm học tập cộng đồng, các địa phương đã huy động sự tham
gia phối hợp của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, người sử dụng lao động… trong
việc nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển giao kiến thức, kỹ năng làm việc một
cách hiệu quả, thực chất, khoa học. Mỗi năm đã có hàng nghìn lượt người được tiếp
cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động
sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên
cạnh làm tốt việc xây dựng mô hình từ gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị,
cộng đồng học tập, các gia đình, dòng họ cùng với trường học, cơ sở giáo dục đã
thực hiện tốt trách nhiệm giáo dục, hình thành nhân cách, xây dựng con người mới
với những chuẩn mực đạo đức công dân, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đặc
biệt, tỉnh chú trọng động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời những công dân
còn hạn chế nhưng đang nỗ lực học tập hay những học sinh yếu có tiến bộ. Đồng
thời động viên, khuyến khích kịp thời học sinh, sinh viên, người lao động có
thành tích “Học không bao giờ cùng”. Trong quá trình thực hiện mô hình, các cấp
ủy và lãnh đạo UBND các cấp, các đơn vị, địa phương đều rất quan tâm ủng hộ,
vào cuộc cùng với Hội Khuyến học. Thường trực Hội Khuyến học tỉnh luôn bám sát
cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt để tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh kịp thời vướng mắc
trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội. Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp tổ
chức nhiều hoạt động thiết thực trong “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”,
Tháng Khuyến học và kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam 2/10; tặng quà, trao học bổng
cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm phát triển các dòng họ học tập, cộng
đồng học tập.
Với
sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Hội Khuyến học và nhân dân, toàn tỉnh hiện có
9 Hội Khuyến học cấp huyện, thành phố; 175 Hội Khuyến học cấp xã, 5.485 chi hội
khuyến học, 6.080 ban khuyến học và 649.038 hội viên khuyến học, đạt 36,4% dân
số. Cùng với phát triển tổ chức hội, hội viên, các phong trào dòng họ học tập,
cộng đồng học tập, đơn vị học tập, gia đình học tập ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Đến nay, kết quả xây dựng các mô hình học tập đều vượt chỉ tiêu đề ra; trong
đó, số gia đình học tập đạt 86%; dòng họ học tập đạt 78%; cộng đồng học tập đạt
90%; đơn vị học tập đạt 97%; 21.524 công dân đăng nhập phần mềm tự chấm điểm
công dân học tập. 100% xã, phường, thị trấn đăng ký đạt danh hiệu cộng đồng học
tập cấp xã. Tỉnh cũng thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển các phong trào
“Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở
thôn, làng, tổ dân phố; đã xuất hiện nhiều mô hình khuyến học, khuyến tài, xây
dựng Quỹ Khuyến học hoạt động có hiệu quả. Những kết quả đó ngày càng nâng cao
nhận thức về đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, chất lượng cuộc sống,
góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thời
gian tới, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt
của các cấp Hội trong đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt
đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội, xây dựng XHHT để phong trào khuyến
học, khuyến tài ngày càng lan tỏa sâu rộng, phấn đấu đến năm 2027 toàn tỉnh có
60% người trong độ tuổi lao động của các mô hình học tập đạt danh hiệu công dân
học tập. Ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm
non, tiểu học, THCS và phổ cập giáo dục THPT; tổ chức các khoá đào tạo, hội thảo
và lớp học dành cho người trưởng thành, công nhân và người lao động; nâng cao
chất lượng các Trung tâm học tập cộng đồng. Bên cạnh đó, toàn ngành giáo dục
tích cực tham gia, phấn đấu trở thành nòng cốt trong phong trào “Thi đua xây dựng
XHHT, đẩy mạnh học tập suốt đời”, tích cực tự học, tự bồi dưỡng theo các tiêu
chí công dân học tập./.
Chi tiết bài đăng xem tại: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202412/day-manh-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-5480498/