Cảnh quan môi trường ở thôn Đông Chiền, xã Hồng
Quang (Nam Trực) luôn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Xã
Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) có khoảng 3.000 hộ dân với hơn 10 nghìn nhân khẩu. Trước
đây, rác thải của xã được tập trung, xử lý theo hình thức chôn lấp trên diện
tích khoảng hơn 1ha. Bãi rác được đưa vào sử dụng hơn 10 năm nay, lượng rác đã
tăng lên gấp 3 lần. Khi lượng rác phát sinh lớn và chưa được xử lý gây nguy cơ ảnh
hưởng đến môi trường. Do đó, để xử lý lượng rác thải, biến rác thành tài nguyên
có thể sử dụng được, cảnh quan môi trường được đảm bảo, xã xác định đẩy mạnh và
thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn. Xã đã huy động sự vào cuộc của các
hội, đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh
niên... Đối với rác hữu cơ, các hộ gia đình tự xử lý tại nhà; với rác vô cơ và
rác có thể tái chế, các hộ gia đình gom lại đóng bao và để đúng nơi quy định.
Theo định kỳ, tổ thu gom sẽ vận chuyển đến nơi tập kết. Xã cũng khuyến khích
các hộ phân loại rác để tái chế sử dụng hoặc bán cho các cơ sở tái chế để tăng
thu nhập và giảm lượng rác thải đưa đi xử lý. Trước đây bình quân hàng ngày, xã
Nghĩa Thái có khoảng 3,5 tấn rác cần thu gom, xử lý, tuy nhiên sau thời gian
triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, lượng rác hiện giảm khoảng 30-40%,
bớt đi nguy cơ quá tải cho bãi chôn lấp tập trung. Thời gian đầu mới triển khai
thí điểm mô hình, xã được huyện hỗ trợ kinh phí mua nắp đậy và chế phẩm sinh học
cho 250 hộ dân, đến nay xã triển khai phân loại rác tại nguồn cho tất cả các hộ
dân với hơn 60% số gia đình có hố rác và nắp đậy. Ngoài ra, trên tuyến đường trục
xã dài 4km đã có thêm hàng trăm thùng thu gom rác hữu cơ, vô cơ để hỗ trợ các hộ
dân, góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy quá
trình xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn xã.
Những
năm qua, xã Giao Phong (Giao Thủy) đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất
trường học có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng môi trường giáo dục hiện đại đáp ứng
yêu cầu đổi mới giáo dục. Với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ đồng, xã đã hoàn thiện
hệ thống trường học cả 3 cấp có đủ phòng học, phòng chức năng kiên cố với
trang thiết bị đạt chuẩn, khu vui chơi, đảm bảo việc phục vụ cho các hoạt động
giáo dục và được các cấp công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trường đạt chuẩn
xanh - sạch - đẹp - an toàn. Bên cạnh đó, xã đã duy trì và nâng cao chất lượng
đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu
học và THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cộng đồng học tập cấp xã được
đánh giá, xếp loại khá. Xã có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện
thể lực, kỹ năng, sức bền tại trường THCS. Với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật
chất, cùng sự nỗ lực của thầy và trò các nhà trường, trong những năm học gần
đây chất lượng giáo dục ở các cấp học của xã đều đứng trong tốp đầu của huyện.
Cuối năm 2022, Giao Phong trở thành xã đầu tiên của huyện Giao Thủy và của tỉnh
được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nổi trội về lĩnh vực giáo dục. Hiện tại,
xã đang thực hiện mô hình xã NTM thông minh giai đoạn 2023-2025. Với tổng kinh
phí thực hiện mô hình 11 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 5,5 tỷ đồng,
ngân sách huyện 1 tỷ đồng, ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác 4,5
tỷ đồng. Xã đã đầu tư hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm; nhà văn hóa xóm
rộng 500m2 được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao; tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng mạng
wifi đạt tới 80%; nhiều mặt hàng nông sản đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch
qua internet, mạng xã hội...
Nhằm
tạo khởi sắc diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
cho người dân, gắn với tiêu chí điện sáng nông thôn trong xây dựng NTM, tỉnh đã
ưu tiên nguồn lực, chú trọng triển khai hệ thống chiếu sáng cho các tuyến đường
ở khu vực nông thôn trên toàn tỉnh. Nhờ đầu tư của tỉnh, huyện và nhất là sự
tích cực huy động xã hội hóa của các xã, thị trấn trong việc triển khai mô hình
“Thắp sáng đường quê”, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm tuyến đường
nông thôn được lắp đèn chiếu sáng. Nhiều địa phương triển khai tốt việc vận động
xã hội hóa lắp đèn chiếu sáng như các xã, thị trấn: Yên Định, Hải Trung, Hải
Châu (Hải Hậu); thị trấn Giao Thủy, Giao Yến, Giao Hà, Giao Phong (Giao Thủy);
Nghĩa Lạc, Đồng Thịnh (Nghĩa Hưng), Xuân Phúc, Thọ Nghiệp (Xuân Trường); Liên
Minh, Kim Thái, Hiển Khánh (Vụ Bản); Yên Dương, Yên Phong, Yên Tiến, Yên Cường,
Yên Ninh (Ý Yên)... Các xã, thị trấn đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa lắp
đặt đèn đường, bảo đảm chiếu sáng, an toàn và mỹ quan. Đối với các tuyến đường
đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trước đây chưa bảo đảm các yêu cầu khi sử dụng,
các địa phương vận động nhân dân đóng góp cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện,
góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.
Các
mô hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Khu dân cư đảm bảo vệ
sinh an toàn thực phẩm”, “Vận động nhân dân thực hiện việc cưới, việc tang văn
minh, tiến bộ gắn với bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư tự quản đảm bảo trật tự
an toàn giao thông”, “Khu dân cư tự quản đảm bảo vệ sinh môi trường”... cũng từng bước được nhân rộng. Trong đó, mô
hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” có sức lan tỏa trong cộng
đồng dân cư do Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì. Ở các địa phương, ban công tác
Mặt trận tham mưu cho cấp ủy chi bộ, phối hợp với ban phát triển các khu dân
cư, ban chấp hành các đoàn thể, chi hội trong thôn, xóm đẩy mạnh tuyên truyền,
vận động nhân dân thực hiện hưởng ứng mô hình với các hoạt động thực tế, như:
đóng góp công sức, tiền của để chỉnh trang khuôn viên gia đình từ cổng ngõ, tường
rào, nhà ở đến ao, vườn đảm bảo luôn khang trang, sạch, đẹp. Tích cực tham gia
đóng góp ủng hộ xây dựng, chỉnh trang tường rào, bồn hoa theo khuôn mẫu, lắp đặt
thêm điện chiếu sáng ở các trục đường thôn. Hiến đất, lùi tường để mở rộng góc
cua ở các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Xây dựng lại các rãnh thoát nước, đậy nắp cống rãnh để đảm bảo môi trường. Định
kỳ tổ chức dọn vệ sinh kênh mương, đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình,
luôn đảm bảo nhà sạch, vườn xanh, đường không có rác thải. Bên cạnh đó, các mô
hình “Đường hoa thanh niên”, “Cổng trường an toàn giao thông”… của Đoàn thanh
niên ngày càng phát huy hiệu quả, thể hiện sự quan tâm, chung tay đồng hành của
tổ chức đoàn, đội trong việc chăm lo, giáo dục các em thiếu niên, nhi đồng,
giúp các em tránh xa được các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, phát
triển toàn diện thể chất và tinh thần.
Những
chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp của cấp ủy, chính quyền cùng sự vào cuộc
của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong thực hiện các phong trào thi
đua, mô hình ở khu dân cư đã đưa cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm, bộ
mặt nông thôn làng quê ngày càng đổi mới, đời sống của người dân được nâng lên;
nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy; tình làng nghĩa xóm được vun đắp, nhân dân
gắn bó, đoàn kết hơn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Qua đó đã tạo nền tảng vững chắc để các địa phương thực hiện thành công mục
tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát
triển./.
Chi tiết bài đăng xem tại: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202503/lan-toa-cac-mo-hinh-hieu-qua-trong-xay-dung-nong-thon-moi-4c92482/