Vai trò các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Thực hiện phong trào thi đua “HTX chung sức xây
dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025” do Liên minh
HTX tỉnh phát động, các HTX trong tỉnh đã phát huy vai trò thúc đẩy sản xuất,
kinh doanh, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động, đồng thời tích
cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần làm cho diện mạo nông
thôn ngày càng đổi mới.
Hợp
tác xã sản xuất và kinh doanh dịch vụ Việt Tiến, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) tạo
việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Toàn
tỉnh hiện có 553 HTX và Quỹ tín dụng nhân dân với 530 HTX đang hoạt động trong
các ngành, lĩnh vực kinh tế; trong đó có 418 HTX lĩnh vực nông nghiệp, thu hút
314.074 thành viên là cá nhân, hộ gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 4.903
lao động. Các HTX chuyên ngành trong nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp đã
phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông
dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực
hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Tiêu
biểu như HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng)
đã tích cực tham gia dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; đổi mới, phát
triển mạnh hệ thống dịch vụ phục vụ thành viên và nhân dân theo chuỗi giá trị sản
phẩm từ dịch vụ đầu vào, giám sát các khâu của quá trình sản xuất đến thị trường
đầu ra cho sản phẩm; đồng thời phối hợp với các công ty tập trung xây dựng mô
hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm hữu cơ.
HTX còn xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao, mạnh dạn ký hợp
đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với các sản phẩm chủ lực như “Gạo nếp Bắc
Nghĩa Bình”, “Gạo huyết rồng hữu cơ”...
Ngoài
ra, còn nhiều mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh giỏi
như: HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tân; HTX Khang Tường,
xã Giao An; HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy);
HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường; HTX chăn
nuôi Yên Lợi (Ý Yên); HTX Bốn Thuận, xã Hợp Hưng; HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân
Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản); HTX kinh doanh dịch vụ Liên Minh, xã Hải Giang;
HTX thủy sản Hải Điền, thị trấn Cồn (Hải Hậu); HTX dịch vụ nông nghiệp môi trường
và thủy sản Hùng Cường, xã Trực Hùng (Trực Ninh); HTX sản xuất kinh doanh dịch
vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Phúc (Xuân Trường). Trong bối cảnh khó
khăn do thiên tai, dịch bệnh, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập
thể, HTX đã nỗ lực vượt khó và có bước phát triển, tiếp tục xây dựng được nhiều
mô hình HTX mới. Số HTX có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu đáp ứng nhu cầu của
thành viên và của thị trường ngày càng tăng. Các HTX đã tổ chức tốt các hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các
thành viên. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 42 triệu đồng/người/năm.
Lợi nhuận bình quân đạt 190 triệu đồng/HTX/năm. Nhiều HTX nông nghiệp thực hiện
liên kết với các đối tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ
thành viên. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay đã có 51 HTX
với 102 sản phẩm của các HTX được đánh giá sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và 4
sao (chiếm 24% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Hiện toàn tỉnh có 84 HTX áp dụng
quy trình sản xuất chung; 19 HTX ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng,
chế biến, bảo quản sản phẩm, sản xuất vật tư nông nghiệp; 63 HTX đã xây dựng được
chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; 30 HTX đã đầu tư
máy móc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến,
bảo quản nông sản… Hoạt động hiệu quả của các HTX đã góp phần thực hiện các
tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh, được thể hiện rõ
nét ở công tác tổ chức sản xuất theo quy hoạch gắn với liên kết chuỗi giá trị
tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là gạo chất lượng cao hữu
cơ Nam Định, sản phẩm thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ (đan rọ cói, dệt khăn)…
Hiện đã có 1 HTX và 1 doanh nghiệp của tỉnh là đầu mối kết nối sản xuất gắn với
chuỗi giá trị chế biến, tiêu thụ lúa gạo với trên 30 HTX nông nghiệp trên địa
bàn.
Cùng
với việc đẩy mạnh sản xuất, trong tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các
HTX còn chú trọng bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp
theo hướng hiệu quả, bền vững. Các HTX thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức
cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức
nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ;
tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao
trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, 13 HTX hoạt động chuyên trong lĩnh vực nước sạch,
vệ sinh môi trường đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông
thôn, giúp cho ngày càng nhiều người dân được sử dụng nước sạch. Điển hình như:
HTX nước sạch và môi trường Sông Đào (Nam Trực); HTX dịch vụ môi trường Nam
Thanh (Nam Trực); HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Bạch Long, HTX Môi trường Giao
Long, HTX nước sạch và vệ sinh môi trường Ngô Đồng, HTX dịch vụ vệ sinh môi trường
Vạn Xuân (Giao Thủy); HTX nông nghiệp và môi trường xanh Trường Phát (Xuân Trường);
HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Bình An (Hải Hậu); HTX sản xuất kinh doanh dịch
vụ môi trường Yên Ninh (Ý Yên)...
Để
nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua,
tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất,
quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất,
kinh doanh; đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt
động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt
động hiệu quả. Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định
hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương
hiệu, nhãn mác sản phẩm. Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức các lớp bồi
dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán
bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với
các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó,
những năm gần đây, kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng,
chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện
cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao
năng suất chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông
thôn phát triển. Đóng góp của các HTX đã làm thay đổi diện mạo, tạo động lực
cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông
thôn đổi mới từng ngày, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, phát triển
theo hướng hiện đại, văn minh. Hoạt động dịch vụ trong các HTX phát triển đa dạng
gắn với chuỗi giá trị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phục vụ sản xuất và đời
sống dân sinh.
Thời
gian tới, các HTX trong tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất;
đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo
động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái
cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ
thành viên; tích cực triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”,
phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới; chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất
công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó phát huy
vai trò của các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông
thôn, tham gia thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng
cao, kiểu mẫu./.
Chi tiết bài đăng xem tại: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/vai-tro-cac-hop-tac-xa-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau-31f6dbb/